Bổ sung canxi cho trẻ là điều mà bà mẹ nào cũng quan tâm. Vì canxi là khoáng chất quan trọng đối với sự phát triển của xương và răng ở trẻ. Vậy, bổ sung canxi cho trẻ có cần thiết và bổ sung như thế nào hợp lý? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất tần tật các vấn đề liên quan đến việc bổ sung canxi cho trẻ, giúp các bà mẹ có thông tin hữu ích để chăm sóc các con một cách toàn diện nhất.
Vai trò và tầm quan trọng của canxi đối với trẻ
Canxi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao, sức khỏe và sự cứng cáp của trẻ. Canxi chiếm khoảng 1,5-2% trọng lượng cơ thể, có 99% canxi tập trung ở xương và răng, 1% còn lại nằm ở trong máu và dịch ngoại bào. Canxi là chất vi khoáng tham gia vào quá trình cấu tạo xương, răng, giúp hình thành nên bộ khung xương cơ thể. Ngoài ra, khoáng chất này còn giữ nhiều chức năng khác như: dẫn truyền tế bào thần kinh, tham gia vào quá trình đông máu, chức năng co cơ.
Nếu cơ thể trẻ thiếu canxi thì tình trạng còi xương, xương nhỏ, biến dạng sẽ xuất hiện, trẻ không những chậm lớn mà chiều cao còn hạn chế, răng yếu, mềm, dễ sâu và mọc không đều. Hơn thế, thiếu canxi khiến cho hoạt động dẫn truyền thần kinh bị ức chế, trẻ sẽ quấy khóc về đêm, ngủ giật mình, thậm chí có hiện tượng rối loạn chức năng vận động. Tình trạng thiếu canxi kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn đến trí não của trẻ.
Canxi rất quan trọng đối với trẻ
Dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ
Nhận biết trẻ thiếu canxi thông qua các dấu hiệu như: Trẻ sơ sinh biểu hiện ngủ không yên giấc, ra nhiều mồ hôi, quấy khóc về đêm, giật mình, thóp chậm liền, đầu bẹt, lồng ngực dô, chân vòng kiềng, chữ bát, tóc rụng vành khăn,... Đây được coi là những di chứng của còi xương nặng. Ở trẻ lớn hơn thường có những biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, ra nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc…
Có nên bổ sung canxi cho trẻ bằng các sản phẩm bổ sung?
Nên bổ sung canxi cho trẻ, vì đây là chất vi khoáng cần thiết tham gia vào quá trình phát triển của cơ thể các con. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng bổ sung ồ ạt mà cần phải chia ở từng giai đoạn. Chẳng hạn như bổ sung canxi cho trẻ trên 1 tuổi sẽ khác với trẻ dưới 1 tuổi. Hay như bổ sung canxi 3 tháng tuổi khác với lượng canxi cho trẻ 9 tháng tuổi.
Đối với các bé lớn thì cách bổ sung đầy đủ nhất là qua thực phẩm ở khẩu phần ăn hàng ngày như: sữa và thực phẩm làm từ sữa, rau xanh,… hơn thế, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ bổ sung thêm phù hợp. Đối với trẻ sơ sinh chỉ có thể lấy canxi từ sữa mẹ hay sữa công thức. Canxi thiếu hoặc thừa đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, cần phải biết lượng canxi đo bằng miligam (mg) dành cho các đối tượng trẻ em như: Trẻ sinh thiếu tháng thì nhu cầu canxi như thế nào? Trẻ đủ tháng nhu cầu cần canxi ra sao? Tùy từng giai đoạn khác nhau mà có cách bổ sung phù hợp nhất.
Nhu cầu canxi của trẻ
Ở mỗi độ tuổi trẻ đều có nhu cầu canxi khác nhau, cụ thể:
- Dưới 6 tháng tuổi: cần 300mg canxi/ ngày.
- Từ 7 tháng tới 12 tháng tuổi cần 400mg canxi/ ngày.
- Trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi cần: 500 mg canxi/ngày.
- Từ 4 đến 6 tuổi cần: 600mg canxi/ngày.
- Từ 7 đến 9 tuổi cần: 700 mg canxi/ ngày.
- Từ 10 tuổi cần: 1000mg canxi/ ngày.
- Từ 11 đến 24 tuổi cần: 1200mg canxi/ ngày.
Các giai đoạn cần bổ sung canxi cho trẻ
Giai đoạn bổ sung canxi cho trẻ thường là 4 giai đoạn vàng bao gồm:
Thời điểm 9 tháng trong bụng mẹ: Đây là giai đoạn canxi cần cho cả mẹ và con. Nếu người mẹ thiếu canxi, bé con sẽ gặp nguy cơ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Trẻ sinh ra còi xương bẩm sinh, có thể sẽ mắc chứng bệnh biến dạng xương gây dị hình, và lớn lên sẽ thấp lùn. Do vậy, giai đoạn này bổ sung canxi là cần thiết. Nếu mẹ đáp ứng đủ dinh dưỡng, tăng cân từ 10- 20 kg, chiều cao trung bình của trẻ ra đời là 50cm.
Giai đoạn sơ sinh: Đây là giai đoạn trẻ bị cắt nguồn canxi từ mẹ sau khi chào đời. Vì thế, cần bổ sung để trẻ phát triển xương và hệ cơ. Theo các chuyên gia, sữa mẹ là nguồn cung cấp canxi tối ưu nhất trong giai đoạn này. Mẹ cần cho trẻ bú liên tục ở 6 tháng đầu tiên.
Bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhò
Giai đoạn đầu đời: Hệ xương và răng của trẻ vẫn tiếp tục phát triển, lượng canxi trẻ cần sẽ nhiều hơn. Thiếu canxi ở giai đoạn này, trẻ bị còi xương, chậm lớn và gặp bệnh lý bất thường.
Giai đoạn dậy thì: Là giai đoạn vàng để trẻ tăng tốc về chiều cao cũng như thể lực. Bổ sung canxi hợp lý thời điểm này giúp trẻ sẽ đạt được chiều cao tối đa, đồng thời phòng tránh bệnh loãng xương sau này.
Bổ sung canxi cho trẻ đúng cách
Bổ sung canxi cho trẻ đúng cách sẽ mang lại hiệu quả và giúp trẻ hấp thu tối đa nhất có thể.
Liều lượng sử dụng
Liều lượng sử dụng canxi ở mỗi giai đoạn là khác nhau. Trẻ càng lớn nhu cầu canxi càng nhiều. Vì thế, mẹ nên quan tâm tới độ tuổi để có thể bổ sung đúng liều lượng canxi cần thiết. Nếu thiếu hoặc bổ sung thừa canxi đều không tốt.
Bổ sung canxi vừa đủ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Nếu cho trẻ uống quá nhiều canxi dễ dẫn đến tình trạng như táo bón, đau xương hay buồn nôn. Nếu thừa canxi trong thời gian dài dễ gây hậu quả nghiêm trọng như canxi tích tụ gây vôi hóa hoặc sỏi thận, khiến cơ thể giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, magie, kẽm,… Do đó, để đảm bảo liều lượng cần có sự tham vấn từ bác sĩ.
Đúng thời điểm
Nạp canxi đúng thời điểm là cách để hấp thụ canxi hiệu quả nhất. Có thể cho trẻ uống vào buổi sáng, sau ăn khoảng từ 30 đến 60 phút. Đây là lúc trẻ được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hỗ trợ tổng hợp vitamin D và hấp thụ canxi tốt. Không nên cho trẻ uống vào buổi chiều hoặc tối khiến canxi lắng đọng trong cơ thể.
Uống cùng vitamin D
Canxi cần kết hợp uống cùng Vitamin D vì vitamin D hỗ trợ dẫn truyền giúp cho cơ thể bé hấp thu canxi tốt hơn. Do vậy, khi cho trẻ uống canxi cần thiết phải có cả vitamin D. Để có vitamin D, hãy cho trẻ phơi nắng buổi sáng hoặc chế biến các món ăn từ thực phẩm như sữa, sữa chua, lòng đỏ trứng, cá hồi, dầu gan cá,…
Bổ sung qua ăn uống hàng ngày
Thông qua thực phẩm và các món ăn bổ dưỡng để bổ sung canxi. Đây là cách bổ sung hiệu quả cho cơ thể trẻ. Có thể cho bé ăn các loại thực phẩm như: Hải sản gồm cá, cua, tôm sò,… hay các loại rau cải xoăn, cần tây, bắp cải, diếp cá để tăng cường sức khỏe cho xương. Rau xanh cũng có vitamin K là yếu tố hình thành osteocalcin, osteocalcin giúp tích tụ canxi vào xương.
Nguồn thực phẩm có chứa canxi
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là thực phẩm có nguồn canxi dồi dào nhất. Trong một số trường hợp sữa của mẹ quá ít, không đủ cho con hoặc trẻ hấp thu canxi kém thì cần có sự tư vấn từ bác sĩ tránh trường hợp tự bổ sung gây thừa canxi ở trẻ.
Những lưu ý cần thiết khi bổ sung canxi cho trẻ
Bổ sung canxi cho trẻ không chỉ đúng cách mà còn phải có những lưu ý cần thiết, tránh cho việc bổ sung không hiệu quả.
Magiê và sự hấp thụ Canxi
Canxi và Magie là các ion hóa trị nên chúng có sự cạnh tranh khi hấp thu vào cơ thể. Magie có thể dễ dàng chuyển hóa nhờ thực phẩm hàng ngày, còn canxi thì tùy thuộc vào từng trẻ. Nếu như phải bổ sung canxi bên ngoài thì nên hạn chế thực phẩm hoặc thuốc chứa magie vì magie làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Thực phẩm có muối
Canxi và Natri có sự cạnh tranh cao trong quá trình tái hấp thụ trong cơ thể. Lượng Natri quá cao có thể làm giảm sự hấp thụ Canxi. Do đó, các mẹ nên giảm lượng muối trong quá trình lên thực đơn cho trẻ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta chỉ nên hấp thụ ít hơn 6 gam muối mỗi ngày.
Thực phẩm chứa Axit phytic, Axit oxalic
Nếu đang bổ sung canxi cho trẻ thì hạn chế các thực phẩm chứa Acid phytic như bột chưa lên men hay một số loại rau (Rau cải bó xôi, măng, đậu nành, hành...). Vì Axit oxalic kết hợp với canxi thành các chất không hòa tan ảnh hưởng đến sự hấp thu Canxi.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về việc bổ sung canxi cho trẻ ở bất kỳ giai đoạn nào. Trẻ thiếu hoặc thừa canxi đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển. Vì thế, các mẹ cần lưu ý hết sức khi bổ sung canxi ở từng giai đoạn khác nhau cho bé nhà mình nhé!